Huyện Quảng Xương phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Quảng Xương xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể là giải pháp quan trọng để địa phương này đẩy mạnh phát triển du lịch.
Huyện Quảng Xương phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Quảng Xương xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể là giải pháp quan trọng để địa phương này đẩy mạnh phát triển du lịch.
Người dân và du khách đi lễ đầu xuân tại chùa Mậu Xương điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của huyện Quảng Xương
Những năm gần đây, UBND huyện Quảng Xương đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thanh Hóa thực hiện kiểm kê di tích trên toàn địa bàn. Song song với đó, huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác rà soát, đánh giá thực trạng của tất cả các di tích trên địa bàn. Các địa phương, đơn vị đều phải lập kế hoạch thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, duy tu, sửa chữa (nếu có) đối với các di tích lịch sử - văn hóa (LSVH), từ đó tạo hệ thống quản lý xuyên suốt từ huyện đến xã, thị trấn, các thôn. Tính đến đầu năm 2022, huyện Quảng Xương có 38 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, 1 di tích kiến trúc nghệ thuật, 3 di tích cách mạng, 31 di tích LSVH.
Xác định rõ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là cơ sở quan trọng để phát triển du lịch, huyện Quảng Xương rất coi trọng công tác tuyên truyền phát huy các giá trị di tích LSVH đạt hiệu quả cao. Chùa Mậu Xương (xã Quảng Lưu) là di tích đã có tuổi đời gần 600 năm. Đây là một trong những điểm đến tâm linh thu hút số lượng người dân và du khách lớn nhất trên địa bàn huyện Quảng Xương. Cảnh quan phong thủy đẹp cùng với những nét kiến trúc độc đáo và giá trị về LSVH là những yếu tố thu hút du khách đến với chùa Mậu Xương. Được công nhận là di tích LSVH cấp tỉnh vào năm 1998, hàng năm, bên cạnh công tác bảo tồn, quản lý được xã Quảng Lưu thực hiện có hiệu quả, Nhân dân địa phương và khách thập phương đóng góp trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Từ năm 2017 đến năm 2020, chùa tiếp tục được đầu tư, tôn tạo từ cảnh quan, cho tới các hạng mục, bảo đảm giữ nguyên được những nét đẹp, giá trị truyền thống cổ xưa của di tích lịch sử - văn hóa này. Công tác quản lý lễ hội chùa Mậu Xương luôn được huyện Quảng Xương, xã Quảng Lưu thực hiện nghiêm túc. Trong hơn 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xã Quảng Lưu phối hợp với Ban Quản lý chùa Mậu Xương thực hiện chặt chẽ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVD-19 nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, tham quan của người dân và du khách, bảo đảm an toàn, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc nào. Những yếu tố nói trên đã khẳng định, chùa Mậu Xương là một trong những điểm đến quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của huyện Quảng Xương giai đoạn 2021-2025.
Từ điểm nhấn nói trên, huyện Quảng Xương đã tích cực chỉ đạo công tác tuyên truyền về việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện đúng các quy định của Luật Di sản, các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Sở VHTTDL trong công tác bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích. Thực hiện tốt công tác tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa tại các di tích, công tác phòng, chống cháy nổ tại các di tích. Thực hiện nghiêm các quy định về việc đặt hòm công đức, quy định về việc đốt vàng mã, về việc bài trừ tệ nạn mê tín, đồng bóng tại các di tích. Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà huyện đã thực hiện đó là công tác quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích LSVH trên địa bàn.
Tính đến hết năm 2021, có 9 di tích đã được tu bổ, tôn tạo; nhiều di tích đã hoàn thành công tác tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp (bia Phủ Cảnh, xã Quảng Yên), chùa Mậu Xương (xã Quảng Lưu), chùa Nổ (xã Quảng Ngọc); một số di tích đang tiếp tục tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp... với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Trong đó, nhiều di tích được thực hiện từ nguồn xã hội hóa. Năm 2022 và những năm tiếp theo, huyện tập trung triển khai thực hiện tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp 5 di tích, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, gồm: Di tích lịch sử Địa điểm Bến phà Ghép và xây dựng Khu tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Bá Ngọc (xã Quảng Trung); đền thờ Bùi Sĩ Lâm (thị trấn Tân Phong); Di tích đền thờ Hoàng Bùi Hoàn (xã Quảng Trạch); 2 di tích cấp tỉnh, gồm: đền An Đông (xã Quảng Hải) và đền thờ bia ký lăng mộ Quận công Lê Bùi Vị (thị trấn Tân Phong). Đây đều là những di tích LSVH quan trọng mà huyện Quảng Xương đã xác định nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phát huy các giá trị văn hóa vật thể trên địa bàn, gắn với phát triển du lịch địa phương.
Một nhiệm vụ trọng tâm khác mà huyện Quảng Xương đã và đang thực hiện đạt hiệu quả cao đó chính là phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Những năm qua, huyện đã tích cực phối hợp với các đơn vị của Sở VHTTDL, các nhà nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, xem đó như là nguồn tài nguyên đặc sắc để đẩy mạnh phát triển du lịch. Điểm nhấn quan trọng trong định hướng nói trên mà huyện đã và đang thực hiện đó là công tác bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ với hát Nhà trò (thuộc loại hình hát ca trù) tại xã Quảng Hợp và hát Tú Huần (hay còn gọi là Ngũ trò) tại xã Quảng Yên. Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, huyện và các xã tạo điều kiện để truyền dạy dân ca, dân vũ; thành lập các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, câu lạc bộ liên thế hệ truyền dạy cho nhau. Bên cạnh đó, huyện cũng đã lập hồ sơ, công nhận, tôn vinh các nghệ nhân, những người có công đóng góp bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ; chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội với nhiều hình thức phong phú. Nhiều cộng tác viên, diễn viên quần chúng đã tham gia các chương trình hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh đạt thành tích cao. Qua đó góp phần khơi dậy, gìn giữ những phong tục, tập quán tốt đẹp; phát huy vốn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Ngày 19-1-2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 333/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Quảng Xương đến năm 2030. Trong đó đã nêu rõ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, tham quan du lịch của Nhân dân, du khách. Vì vậy, huyện Quảng Xương tập trung phát triển du lịch theo hướng bền vững, đảm bảo khai thác có hiệu quả, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa người dân vùng ven biển, văn hóa làng nghề; bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể, góp phần mở rộng giao lưu, nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn. Đây là những yếu tố then chốt để huyện Quảng Xương hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn phát triển mới.
BÌNH LUẬN (0)
- Huyện Quảng Xương đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu
- Chùa Mậu Xương, huyện Quảng Xương tổ chức lễ Tết Thượng Nguyên năm 2024
- Quảng Xương giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống
- Huyện Quảng Xương (Thanh Hóa): Sẽ cưỡng chế hộ gia đình xây dựng công trình không phép, không đúng quy hoạch
- Di tích lịch sử văn hóa Bia Phủ Cảnh ( Văn thánh Phủ Cảnh) xã Quảng Yên
- Khu di tích Đền thờ Quận công Hoàng Bùi Hoàn tọa lạc tại xã Quảng Trạch
- Mộ và đền thờ Thái tể Bùi Sỹ Lâm
- Lễ hội đua thuyền truyền thống của xã Quảng Nham
- ĐỀN THỜ TÁ THÁNH THÁI SƯ CHIÊU VĂN VƯƠNG TRẦN NHẬT DUẬT
- Huyện Quảng Xương phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch