Hotline: 0919 888 988

Giới thiểu tổng quan về huyện Quảng Xương, Thanh Hóa

Đăng lúc: 08:21:41 27/12/2023 (GMT+7)
100%
Print

Nằm trong vùng phụ cận các trọng điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa, Quảng Xương có gần 20km bờ biển và có nguồn nước ngầm nóng bổ trợ cho ngành du lịch Thanh Hóa phát triển không chỉ vào mùa hè

Huyện Quảng Xương nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Thanh Hóa; phía Bắc giáp thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn, phía Nam giáp thị xã Nghi Sơn, phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp huyện Nông Cống và huyện Đông Sơn; có diện tích tự nhiên 174,22 km² (17.422 ha), chiếm 1,56% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Hiện nay, toàn huyện có 25 xã và 01 thị trấn (thị trấn Tân Phong) với dân số 203.020 người, chiếm 5,5% dân số toàn tỉnh; là huyện có dân số đông, cơ cấu dân số vàng, với trên 120.700 người trong độ tuổi lao động, có trình độ văn hóa, chuyên môn cao so với mặt bằng chung của tỉnh.
Quảng Xương có mạng lưới giao thông thuận lợi, trên địa bàn huyện có các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 45, Tỉnh lộ 504, Tỉnh lộ 511 và tuyến đường bộ ven biển kết nối các khu kinh tế động lực của huyện với các đô thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối giao thông chính của tỉnh như: thành phố Thanh Hoá, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn - Khu kinh tế Nghi Sơn, khu công nghiệp Lam Sơn Sao Vàng, Cảng hàng không Thọ Xuân, Cảng biển nước sâu Nghi Sơn,…; đặc biệt, tuyến đường ven biển đoạn qua huyện Quảng Xương đã và đang được đầu tư hoàn thiện, tạo điều kiện khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế khu vực ven biển, có chiều dài gần 13km, bờ biển còn hoang sơ, có độ thoải, cát mịn và nước trong xanh, với nhiều bãi tắm đẹp ở các xã Quảng Hải, Quảng Lưu, Quảng Thái, Tiên Trang và mũi đất Quảng Nham, vùng triều Lạch Ghép (xã Quảng Trung, Quảng Chính).
Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, tên gọi Quảng Xương bắt đầu được sử dụng từ đời Quang Thuận (năm 1469) đến nay; trước đó, huyện Quảng Xương được biết đến với tên gọi Vĩnh Xương. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, huyện Quảng Xương vẫn giữ gìn được nhiều nét đẹp văn hóa đặc trưng, từ những di sản văn hóa tinh thần như làn điệu dân ca, dân vũ, các lễ hội truyền thống, đến những di tích văn hóa, lịch sử được công nhận ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trên địa bàn huyện có 38 di tích được xếp hạng, trong đó có 03 di tích cấp quốc gia là: Bến phà Ghép (xã Quảng Trung); Đền thờ bia mộ Bùi Sỹ Lâm (thị trấn Tân Phong); Mộ và đền thờ Hoàng Bùi Hoàn (xã Quảng Trạch). Kế thừa, phát huy truyền thống hiếu học của các bậc tiền nhân, huyện Quảng Xương ngày nay được biết đến với phong trào xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” đã lan tỏa đến nhiều địa phương trong tỉnh; đoàn học sinh Quảng Xương tham gia các hội thi, kỳ thi học sinh giỏi, học sinh năng khiếu cấp tỉnh liên tục được xếp trong tốp đầu toàn tỉnh; có nhiều học sinh đạt 27 điểm trở lên trong các kỳ tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Giai đoạn 2016 – 2020, nhờ có giải pháp linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang và sự đồng thuận của Nhân dân trong huyện, huyện Quảng Xương đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội đáng khích lệ: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ước đạt 15,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; năm 2020, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm 39%; dịch vụ chiếm 38%. Các hoạt động văn hóa - xã hội có chuyển biến tiến bộ theo hướng xã hội hóa và nâng cao chất lượng. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Xuất phát từ huyện thuần nông với diện tích đất nông nghiệp lớn, khoảng 8.946 ha, chiếm 51,3% diện tích đất tự nhiên toàn huyện, huyện Quảng Xương đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, từng bước hình thành vùng chuyên canh cây trồng có giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân, như: Vùng sản xuất tập trung lúa gạo chất lượng cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm quy mô lớn ở các xã Quảng Văn, Quảng Hòa, Quảng Hợp, Quảng Ngọc, Quảng Nhân, Quảng Long, Quảng Yên,…; Vùng sản xuất rau an toàn tập trung tiêu chuẩn VIETGAP ở các xã Quảng Lưu, Quảng Yên, Quảng Hợp, thị trấn Tân Phong,… đưa Quảng Xương trở thành huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Xác định rõ lợi thế giáp ranh với các đô thị lớn và Khu kinh tế Nghi Sơn, nhiều năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp và đô thị. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã thành lập 03 cụm công nghiệp: Cống Trúc (diện tích 50ha), Tiên Trang (38 ha) và Nham Thạch (13,8 ha); đã quy hoạch Khu công nghiệp Quảng Bình, Quảng Lưu, Quảng Lộc (500 ha) và các cụm công nghiệp Quảng Yên (60ha), Quảng Ngọc (60ha), thị trấn Tân Phong (58,5ha); đầu tư nhựa hóa, cứng hoá 100% các tuyến đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã; 100% các xã, đô thị và khu dân cư đã được đầu tư hệ thống cấp điện, cấp nước; hạ tầng bưu chính viễn thông phát triển nhanh với 42 điểm phục vụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao của người dân địa phương; đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực để hiện thực hóa các quy hoạch chung xây dựng các đô thị Tân Phong, Tiên Trang, Nham Thạch, Cống Trúc và đô thị ven biển từ Quảng Hải đến Tiên Trang,... tiếp tục ưu tiên nguồn vốn ngân sách để đầu tư hoàn hiện hệ thống giao thông, kết nối với các tuyến giao thông chính của tỉnh như: Tuyến đường Thanh Niên kéo dài đến Quốc lộ 45; đường từ Quốc lộ 1A đi đường ven biển, đường Quảng Bình – Quảng Thái; đường từ Quốc lộ 1A đi Khu du lịch sinh thái biển Tiên Trang; đường từ Quốc lộ 1A đi các xã Quảng Thạch, Quảng Nham; đường Quảng Định – Quảng Đức – Quảng Nhân, Quảng Lưu; đường vành đai 3 phía Tây đi xã Trung Chính huyện Nông Cống; đường kết nối khu đô thị Quảng Nham đi xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống,…
Cùng với việc quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian qua được cải thiện mạnh mẽ nên đã có nhiều nhà đầu tư lớn đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh trên địa bàn huyện, hứa hẹn mở ra cơ hội phát triển đột phá du lịch cho huyện Quảng Xương như: Dự án quần thể nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Quảng Yên đẳng cấp quốc tế của Tập đoàn Sun Group; Dự án khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại tại xã Quảng Nham, Dự án Khu khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và Dự án sân Golf tại xã Quảng Nham của Tập đoàn BRG; Dự án khu đô thị mới Quảng Định, thị trấn Tân Phong của Tập đoàn Danko,…
Với những thành tựu đạt được trong nhiều năm qua, Quảng Xương tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương; khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội; giữ vững ổn định chính trị; đảm bảo quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền; phấn đấu xây dựng Quảng Xương năm 2025 đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; đến năm 2030 trở thành thị xã.

Dưới đây là một số hình ảnh của huyện Quảng Xương