Hotline: 0919 888 988

Di tích lịch sử văn hóa Bia Phủ Cảnh ( Văn thánh Phủ Cảnh) xã Quảng Yên

Đăng lúc: 15:20:21 27/12/2023 (GMT+7)
100%
Print

Bia phủ cảnh - dấu tích hiếm hoi còn lại của triều đại Tây Sơn trên đất Quảng Xương

Di tích lịch sử văn hóa Bia Phủ Cảnh ( Văn thánh Phủ Cảnh ) xã Quảng Yên

BIA PHỦ CẢNH - DẤU TÍCH HIẾM HOI CÒN LẠI CỦA TRIỀU ĐẠI TÂY SƠN TRÊN ĐẤT QUẢNG XƯƠNG.

       Từ trung tâm thành phố Thanh Hóa đi theo Quốc lộ 1A về hướng Nam, đến Ngã ba Voi rẽ theo Quốc lộ 45 đến đầu cầu Cảnh, rẽ trái vào làng Yên Cảnh, xã Quảng Yên để đến với di tích Lịch sử - Văn hóa "Bia phủ Cảnh", một dấu tích và di sản văn hóa hiếm hoi còn lại của triều đại Tây Sơn (1788 - 1802) trên đất Quảng Xương.

       Làng Mỹ Cảnh thuộc tổng Văn Trinh, phủ Tĩnh Gia - nay là làng Yên Cảnh, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, vào đời nhà Lê được chọn để xây dựng một văn chỉ thờ đức thánh Khổng, gọi là "văn thánh phủ Cảnh" để tôn vinh và khuyến khích sự học hành, chữ nghĩa, thi cử đỗ đạt... Đến cuối đời Lê, vận nước suy tàn nên văn thánh phủ Cảnh không còn được chú trọng và cũng phải chịu cảnh hoang phế.

       Đến khi nhà Tây Sơn chiến thắng quân xâm lược Nhà Thanh và thống nhất sơn hà, Vua Quang Trung chủ trương canh tân đất nước, chấn hưng Nho giáo, mở mang việc học hành xuống tận làng, xã thì ngoài văn miếu cả nước, các văn thánh của tỉnh, phủ, các văn chỉ hàng huyện, hàng xã cũng đều được coi trọng, sửa sang hoặc xây mới.

       Khi đó, nhà Tây Sơn đã chọn vùng đất Thiên Linh  - là xã Quảng Yên ngày nay để lập đại bản doanh trấn thủ đất nước, nó có vị trí như một "Tiểu Triều đình" do Tuyên quận công Nguyễn Quang Bàn (là Thái tử của vua Quang Trung) trấn thủ. Vào cuối năm Đinh Tỵ (1797), Nguyễn Quang Bàn đã cho làm lại văn thánh với quy mô lớn hơn. Công trình khởi công xây dựng vào mùa đông năm Đinh Tỵ (1797) đến mùa xuân năm Mậu Ngọ (1798) thì xong, gồm: tẩm miếu 5 gian, tiền đường 5 gian. Trong tẩm miếu thờ đức thánh Khổng, bốn vị cao đồ và 72 học trò giỏi; ngoài tiền đường, gian giữa đặt hương án thờ các bậc tiên nho trong phủ hạt, hai bên trải chiếu làm nơi hội họp của các quan chức làng văn. Tiền đường mở ra sân vuông lát gạch, cổng vào một cửa; hai bên sân có hai nhà giải vũ, chỗ làm việc của giám thủ, phó giám thủ và sái phu. Hai bên tả, hữu sân miếu được tạc dựng hai tấm bia đá để ghi lại sự kiện này; có hai con rùa đặt hai bên tả, hữu đối diện nhau, to lớn bằng nhau, được tạc bằng đá Nhồi nguyên khối, dài 100cm, lưng rộng 80cm, khắc nổi vẩy rùa hình lục lăng. Về lễ tế: mỗi năm hai lần chọn ngày tốt mùa xuân và mùa thu làm lễ cúng tế xôi, thịt và là dịp để các quan viên bàn việc học hành trong phủ, trong huyện.

       Tiếc thay, khi nhà Tây Sơn sụp đổ (1802), Gia Long - Nguyễn Ánh đã hạ lệnh triệt phá tất cả những gì có liên quan đến nhà Tây Sơn, vì vậy văn thánh phủ Cảnh cũng phải chịu chung số phận ấy. Tấm bia phía nam ca tụng công đức nhà Tây Sơn, quan viên hàng phủ không dám để, đập vỡ từng mảnh nhỏ đem chôn rải rác nhiều nơi; còn lại tấm bia phía bắc thì chỉ đục bỏ tên người, niên hiệu để che mắt nhà Nguyễn. Từ đó, văn thánh ngày càng trở nên hoang tàn, dấu tích còn lại sau này là nền móng và những mảnh vỡ gạch ngói. Rất may mắn còn lại được tấm bia phía bắc và hai con rùa đá (trong đó một con bị mất đầu nhưng bây giờ đã được phục chế lại).

       Tấm bia được tạo tác bằng đá Nhồi nguyên khối, chóp bia cao 0,23m, trán bia cao 0,39m; toàn bộ thân bia cao khoảng 1,80m (không kể đế bia), dày 0,20m, rộng 0,90m. Mũ bia hình lá sen khum khum trùm rộng chìa ra ngoài lòng bia; giữa mũ bia là hình bông sen, có hai lớp cánh hoa cách điệu. Phần đế bia bằng đá nguyên khối đục tam cấp dày 40cm, cấp dưới cùng dài 100cm, cấp trên cùng 91cm. Đóng khung lòng bia là đường gờ nổi vuông cạnh, tượng hình của hai cuống sen mọc từ dưới nước (biểu trưng bệ tam cấp là 3 lớp thủy ba). Toàn bộ cấu trúc bia là một cụm sen được cách điệu khá cao, kỹ thuật tạo tác bia hoàn chỉnh và được biểu hiện bằng những mảng, khối đơn sơ, chắc khỏe.

       Văn bia chạm khắc bằng chữ Hán, một số chữ đã bị đục xóa một cách có ý thức, có lẽ là những tên, niên hiệu của Quang Trung - Nguyễn Huệ; nét đục không sâu nên không làm ảnh hưởng nhiều tới vẻ đẹp của bia. Phải chăng việc làm này nhằm bảo vệ bia tránh sự phá hủy của nhà Nguyễn sau này. Nội dung văn bia dịch nghĩa:

        Quan khâm sai Thanh Hóa nội trấn là Hoàng Thái tử Tuyên quận công Nguyễn Quang Bàn. Kể:

       Do miếu văn thánh ở phủ Tĩnh Gia đã quá lâu năm nên hư hỏng, đổ nát. Vâng lệnh trên, mùa đông năm Đinh Tỵ 1797 khởi công xây dựng lại, đến mùa xuân năm Mậu Ngọ 1798 hoàn thành, làm lễ cáo Thánh. Đồng thời lại sửa sang, mua sắm thêm đồ thờ, cúng tế để đủ cung cấp cho việc thờ cúng, xong xuôi bèn khắc vào đá để truyền lâu dài.

       Con trai vua Quang Trung này còn tiến dâng một quả chuông lớn, một trống lớn có đủ giá treo và có người trông coi quét dọn, giữ gìn việc thờ cúng chu đáo.

       Ngày tốt, tháng Tư năm Mậu Ngọ 1798, năm thứ 6 triều vua Cảnh Thịnh.

       Hoàng Thái tử Tuyên quận công Nguyễn Quang Bàn sứ thừa lệnh làm bia này"

       Bia đá phủ Cảnh được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh vào năm 1999. Bằng nguồn ngân sách địa phương và một phần hỗ trợ từ chương trình mục tiêu Quốc gia, hiện nay khu văn thánh và di tích "Bia đá phủ Cảnh" đã được trùng tu, tôn tạo về các hạng mục cơ bản, gồm: ngôi miếu thờ 05 gian, nhà che bia, sân miếu lát gạch đỏ, cổng, tường rào bao quanh, cầu bê tông bắc qua kênh B22  và đường vào được đổ bê tông ...

       Về việc khôi phục và giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể tại di tích cũng được tổ chức thực hiện: vào mỗi độ đầu xuân năm mới hoặc khi có sự kiện lễ lạt quan trọng thì địa phương thường tổ chức biểu diễn trò "Tú huần Thiên Linh" và trò diễn "Quân thuyền" (là hai trò diễn trong Ngũ trò làng Riềng truyền thống của xã Thiên Linh xưa nhưng mang đậm màu sắc Tây Sơn). Đặc biệt, hiện nay tại đây, có một nét đẹp văn hóa đang khá phổ biến là: rất đông các con em trong vùng cứ mỗi trước và sau khi đi tham dự các kỳ thi quan trọng đều đến dâng hương, bái thánh tại di tích. Việc làm này đã và đang được khuyến kích thành truyền thống văn hóa  hiếu học trong nhân dân... Ngoài ra, vào các mồng một, ngày rằm hàng tháng thì du khách nhiều nơi trong vùng thường hay đến thắp hương, lễ bái tâm linh ở nơi đây.

       Có thể nói: trong lịch sử đất nước vào những năm cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII thì vùng đất Thiên Linh xưa (thuộc tổng Văn Trinh, phủ Tĩnh Gia) nói riêng - ngày nay là xã Quảng Yên (huyện Quảng Xương)  nói chung có nhiều gắn bó với triều đại Tây Sơn. Tuy nhiên, do những biến cố của lịch sử mà những dấu tích để lại còn rất ít ỏi. Vì vậy,  "Bia phủ Cảnh" gắn với  khu văn thánh là một dấu tích và di sản văn hóa hiếm hoi rất có giá trị còn sót lại trên đất Quảng Xương của một triều đại phong kiến tuy ngắn ngủi nhưng đã ghi dấu son trong một giai đoạn lịch sử hào hùng và bi tráng của dân tộc ta, đó là triều đại Tây Sơn - Quang Trung - Nguyễn Huệ (1788-1802).

       Việc tiếp tục được đầu tư khôi phục, trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh và phát huy giá trị của di tích Lịch sử - Văn hóa "Bia phủ Cảnh" cả về vật thể và phi vật thể sẽ có nhiều ý nghĩa quan trọng. Đó là: bên cạnh việc thiết thực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thì còn có giá trị trong công tác giáo dục truyền thống văn hóa - lịch sử dân tộc, đồng thời đây còn là nguồn lực phong phú góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch đầy tiềm năng ở khu vực này mà hiện nay đã được quy hoạch, xây dựng và phát triển trong tương lai.

  

  BÌNH LUẬN (0)